HomeBỒI DƯỠNG KIẾN THỨCBí kíp thứ 2 - Bắt chước

Bí kíp thứ 2 – Bắt chước

Người chia sẻ: TS.BS.Nguyễn Đỗ Ngọc Linh – IELTS 6.5 – DELF B2 – GRE 1030

Tôi muốn chia sẻ với các bạn một bí kíp học ngoại ngữ nói chung và tiếng Anh nói riêng. Đó là “bắt chước”.

Tại sao 1 đứa trẻ 3 tuổi đâu cần biết ngữ pháp, từ vựng là gì nhưng nó vẫn có thể học nói một cách dễ dàng? Đó là vì nó bắt chước người lớn nói, nhại lại, cho dù không hiểu gì cả. Dần dần nó có thể nói như người lớn chỉ trong 2-3 năm. Vì vậy, hãy học ngoại ngữ như một đứa trẻ 3 tuổi tập nói. Bắt chước y hệt những gì người bản xứ nói hoặc viết. Rất nhiều người khi muốn nói một câu tiếng Anh thường nghĩ bằng tiếng Việt trước rồi dịch ra trong đầu sang tiếng Anh rồi mới nói ra. Cách đó rất chậm và sẽ dịch “word by word” mà không thể nói theo văn phong của người bản xứ. Thay vào đó các bạn hãy học bằng cách bắt chước, không cần phải nghĩ, chỉ cần bắt chước và lặp lại như một con vẹt.

Khi tôi sang Pháp học Thạc sỹ, tại thời điểm đó tôi có trình độ tiếng Anh IELTS 6.5 và tiếng Pháp DELF B2 là điều kiện tối thiểu để được đi du học. Tôi khá tự tin với trình độ ngoại ngữ của mình. Nhưng khi sang tới nơi, tôi bị stress 6 tháng đầu vì cảm giác mình giống người “mù”, “câm” và “điếc”. Mù vì vào thư viện mở sách của họ ra đọc không hiểu gì. Ngồi trên tàu điện ngầm đi học, giở báo Metro ra đọc mà không hiểu gì. Câm vì nói mà người ta không hiểu mình nói gì nên riết thành…câm luôn. Điếc vì nghe họ nói như tiếng chim hót, không hiểu gì.

Tuy nhiên, sau một thời gian (khoảng 6 tháng – 1 năm) thì tự nhiên một ngày đẹp trời, tôi bỗng nhiên nghe hiểu, đọc hiểu và người ta bắt đầu hiểu những gì tôi nói. Tôi nhớ lại lời khuyên của bố mình khi tôi còn nhỏ. “Muốn học tiếng Anh giỏi, con phải nghe radio và xem ti vi kênh tiếng Anh (ví dụ BBC, CNN,…) mỗi ngày, 24/24 thì càng tốt. Thay vì cắm headphone vào tai để nghe nhạc trẻ thì con hãy nghe tiếng Anh mỗi ngày. Từ từ tiếng Anh sẽ ngấm vào đầu con lúc nào không hay.” Hồi nhỏ tôi không hiểu tại sao bố lại khuyên như vậy, tôi cũng làm theo nhưng không thực sự quyết tâm. Nhờ đi du học, sống trong môi trường của người bản xứ, ngoại ngữ mới thực sự “ngấm” vào người tôi lúc nào không biết.

Chính vì vậy, tôi cũng có lời khuyên tới các bạn trẻ, cũng giống như ngày xưa bố tôi đã từng khuyên tôi mà tôi chẳng thèm nghe. Thay vì bật youtube xem hài, cắm headphone vào tai cả ngày để nghe nhạc trẻ thì hãy bật các kênh nói tiếng Anh như BBC, CNN, Ted Talk, Discovery, National Geographic Channel,…để tiếng Anh “ngấm” vào bạn lúc nào không biết. Không chỉ vậy, với tôi, tiếng Anh là chìa khóa mở ra thế giới để khám phá những chân trời tri thức mà bạn chưa từng thấy hoặc chưa từng nghĩ tới.

Trong thời đại hội nhập ngày nay, các bạn không gặp khó khăn như tôi ngày xưa, có khi tôi còn phải xách xe đạp ra Hồ Hoàn Kiếm ngồi cả chiều để kiếm được một người nước ngoài để luyện tập nói tiếng Anh. Thì bây giờ, các bạn có thể dễ dàng gặp khách du lịch nước ngoài, bệnh nhân nước ngoài, … để luyện tập giao tiếp. Đà Nẵng là thành phố du lịch, các bạn dễ dàng gặp người nước ngoài tại bệnh viện hay trên đường. Không chỉ thế, có rất nhiều quán café tại Đà Nẵng có người nước ngoài tới uống café chỉ để luyện tiếng Anh với người Việt như Tipi, Easy Talk, Puna cafe… Ngoài ra, các bạn có thể gia nhập các blog, forum, website học tiếng Anh ở trên mạng…để chat với người bản xứ. Thời đại công nghệ thông tin hiện nay, việc học tiếng Anh trở nên vô cùng dễ dàng, có rất nhiều công cụ (khóa học online, bài giảng youtube, app ứng dụng để học tiếng Anh…), chỉ là chúng ta chưa thử và chưa quyết tâm thôi.

Tóm lại, 1 nguyên tắc kinh điển học tiếng Anh nói riêng và ngoại ngữ nói chung là “Bắt chước”:
Tốt nhất là sống trong môi trường tiếng Anh
Nếu không được hãy kiếm một người partner (vợ/chồng/người yêu) là người bản xứ ^^
Nếu không phù hợp hãy luyện tập giao tiếp với người bản xứ bằng mọi cách như trên đã gợi ý
Học như 1 đứa trẻ tập nói
Tư duy trực tiếp bằng tiếng Anh
Chúc các bạn có thể nói tiếng Anh hay như người bản xứ!

Trân trọng cảm ơn!