Người chia sẻ: Huỳnh Thị Yến Nhi – P.QLCL
Bạn không thể nghe được Tiếng Anh => Do bạn thiếu từ vựng
Bạn không thể viết được Tiếng Anh => Do bạn thiếu từ vựng
Bạn không giao tiếp được bằng Tiếng Anh => Vẫn là do bạn thiếu từ vựng
Vậy nên, từ vựng là yếu tố rất quan trọng trong việc học Tiếng Anh.
Mình xin chia sẻ 1 số phương pháp học từ vựng như sau:
1. Học từ theo chủ đề
Nếu tính vốn từ vựng một cách đơn lẻ, chắc hẳn sẽ là một con số khổng lồ mà bạn cần phải học. Tuy nhiên nếu gộp lại theo chủ đề, bạn có thể chỉ cần khoảng 20 chủ đề chính để giao tiếp được tiếng Anh. Nghe có vẻ đơn giản và hứng thú để học hơn hẳn đúng không nào? Học từ vựng theo chủ đề mang lại rất nhiều lợi ích và là cách nạp từ hiệu quả nhất. Việc học các từ cùng 1 đề tài liên quan giúp chúng ta tư duy nhanh, logic hơn, nhớ từ lâu hơn, huy động được nhiều từ liên quan trong cùng chủ đề nhằm hỗ trợ cho cuộc đối thoại, viết các bài luận (essay writing) hoặc thảo luận (debate) về 1 vấn đề gì đó.
Ví dụ như khi bạn học từ mới theo chủ đề đồ dùng học tập, bạn sẽ gặp từ quyển sách là “book”, bạn sẽ liên tưởng đến quyển vở là “notebook”, kệ sách là “bookshelf”…
Bên cạnh đó, trong mỗi chủ đề, bạn có thể chia ra thành từng nhóm nhỏ hơn. Ví dụ như khi học từ vựng về chủ đề “thức ăn”, thay vì học các từ lộn xộn trong chủ đề này, bạn có thể học theo từng nhóm như: Từ vựng về các loại “thịt”, “đồ uống”, “rau củ quả”…
Những từ vựng tiếng Anh theo chủ đề thường có sự liên quan nhất định với nhau nên việc học từ theo một chủ đề, bạn có thể học được 1 lúc các từ liên quan đến nhau, giúp chúng ta liên kết các từ mới với nhau dễ dàng hơn.
2. Sử dụng từ điển Anh-Anh
Trước kia tôi thường học từ vựng theo cách truyền thống là tra từ điển Anh-Việt hoặc google translate. Ví dụ “hang” là treo lên, “depend” là phụ thuộc, “take” là cầm/nắm. Nhưng sau thời gian nhận thấy mỗi từ không chỉ có 01 nghĩa mà còn tùy thuộc vào nhiều yếu tố => Hạn chế sử dụng từ điển Anh-Việt hoặc google translate để học từ mới.
Một số từ điển Anh-Anh chính thống và kinh điển như sau:
– Từ điển Oxford (Anh): https://www.oxfordlearnersdictionaries.com/
– Từ điển Cambridge (Anh): https://dictionary.cambridge.org/
– Từ điển Longman (Hoa Kỳ): https://www.ldoceonline.com/dictionary/
Ưu điểm:
– Có app trên smartphone, tiện tra cứu và học mọi lúc mọi nơi
– Học được bản chất của từ (verb/noun/adjective/adverb/preposition…)
– Cách phát âm (pronunciation), trọng âm của từ (word stress)
– Học cách giải nghĩa của từ bằng tiếng Anh: giúp chúng ta luyện cách giải thích một việc nào đó bằng cách sử dụng những từ đơn giản hơn để diễn tả thay vì dùng những từ ngữ/câu phức tạp.
– Học cách sử dụng từ:
o 1 từ có thể có nhiều nghĩa.
o 1 từ trong mỗi hoàn cảnh khác nhau sẽ có ý nghĩa hoặc sắc thái khác nhau
o 1 động từ đi với các giới từ khác nhau sẽ có ý nghĩa hoàn toàn khác nhau
– Học các từ liên quan (word family):
1 từ tiếng Anh thường có phần gốc (radical), phần tiền tố (prefix) và hậu tố (suffix). Nếu biết được phần gốc sẽ hiểu được nhiều từ khác nhau.
Khi bạn tra cứu 1 từ, bạn nên học thêm các từ liên quan. Ví dụ: đừng nên chỉ học “friend” với nghĩa là bạn, nên học thêm “friendly” là thân thiện, “friendship” là tình bạn, “unfriendly” là không thân thiện…
– Học các từ đồng nghĩa (synonym), các từ trái nghĩa (antonym)
Như vậy, khi bạn gặp 1 từ, bạn có thể học thêm được 10 từ. Học từ một cách có hệ thống sẽ giúp ta dễ nhớ hơn và tiết kiệm được nhiều thời gian học.
3. Học từ vựng theo sơ đồ tư duy
Bạn đã quá chán nản với những phương pháp học từ vựng truyền thống? Bạn nhìn một cuốn sổ ghi chép hàng trăm từ dài dằng dặc liệu bạn có dễ dàng từ bỏ? Cho dù có cố gắng học đến đâu, khối lượng từ vựng ấy bạn cũng sẽ chỉ nhớ được trong một thời gian ngắn rồi dễ dàng quên ngay và không biết cách ứng dụng vào thực tế.
Thay vào đó, hãy thử tìm đến phương pháp học từ vựng tiếng Anh thông minh hơn – sơ đồ tư duy (mind map). Đó là cách học thú vị, học nhanh mà nhớ lâu áp dụng được cho tất cả các môn học, đặc biệt là học từ vựng tiếng Anh
Sơ đồ tư duy được biết đến là phương pháp học thông minh được đề cập trong cuốn “Tôi tài giỏi, bạn cũng thế”. Đây là cách học bằng sự kết hợp giữa ngôn ngữ và hình ảnh. Thực tế, não bộ tiếp nhận và lưu trữ hình ảnh tốt hơn nhiều so với chữ viết. Sơ đồ tư duy sinh ra chính để tận dụng khả năng đó. Đây là 1 công cụ quản lý thông tin nhìn bằng mắt giúp chúng ta ghi nhớ, sắp xếp, động não và học thông tin theo 1 cách được chuyên môn hoá cao.
Việc học từ vựng tiếng Anh bằng sơ đồ tư duy giúp bạn nắm được bức tranh toàn cảnh của chủ đề nghiên cứu một cách có hệ thống, cải thiện khả năng khai thác chi tiết của thông tin, giải quyết vấn đề quá tải kiến thức và giúp tiết kiệm thời gian khi học.
4. Học từ vựng bằng các ứng dụng trên Web, App store hoặc CH Play
Lúc trước khi các phần mềm học Tiếng Anh chưa phổ biến, mình phải học từ bằng thẻ ghi nhớ (flash card) nghĩa là cắt các mảnh giấy bìa cứng và viết từ tiếng Anh vào 1 mặt và các thông tin liên quan tới từ đó vào mặt sau của tấm bìa. Nhưng ngày nay, có rất nhiều cách để học từ, một số ứng dụng (application), website học từ vựng ví dụ như:
– Duolingo: https://www.duolingo.com/
– https://www.memrise.com/
– https://topicanative.edu.vn/tu-hoc-tieng-anh/tieng-anh-giao-tiep/tu-vung-tieng-anh/
– App: 600 essential words for Toeic
5. Học đi đôi với hành
Rất nhiều bạn gặp khó khăn khi học mãi nhưng vẫn không nhớ từ. Nguyên nhân bởi vì học phải đi đôi với hành, bạn nên áp dụng những từ mới đã học vào trong thực tế thì mới có thể ghi nhớ được.
Khi gặp một từ mới, bạn hãy tra từ điển sau đó sử dụng từ đó mọi lúc mọi nơi, ví dụ:
– Nghe: nghe đài báo, TV, xem phim phụ đề tiếng Anh, nghe người bản xứ nói…,nếu bắt gặp từ đó, hãy chú ý để nhớ được cách phát âm của từ đó trong câu. Về sau, khi giao tiếp, nếu người nước ngoài nhắc tới từ đó, bạn có thể nhận ra được dễ dàng hơn.
– Nói: tranh thủ cơ hội nói tiếng Anh với bất kỳ ai hoặc độc thoại và sử dụng từ vừa học.
– Đọc: khi đọc sách/báo bằng tiếng Anh, hãy chú ý nếu gặp từ mới đó để xem cách người bản xứ sử dụng nó trong những ngữ cảnh nào.
– Viết: tập viết những đoạn văn ngắn, những mẩu truyện chêm về bất kỳ chủ đề gì mình thích, và tìm cách sử dụng những từ mới vừa học vào nhiều ngữ cảnh khác nhau. Đối với các bạn có thói quen viết lách thì có thể viết các kế hoạch thực hiện trong ngày bằng Tiếng Anh, hay viết nhật ký bằng Tiếng Anh…
Hiện nay, Tiếng Anh hiện diện khắp mọi nơi trong cuộc sống, từ tờ hướng dẫn sử dụng đến các bao bì sản phẩm… Khi sử dụng chúng ta có thể lướt qua những dòng này, dần dần những từ vựng xung quanh các chủ đề này sẽ trở nên quen thuộc hơn. Việc đọc sách thì có vẻ khó hơn nhưng cũng không hẳn là không làm được, có thể bắt đầu bằng việc đọc truyện tranh, vừa có hình vừa có chữ sẽ giúp chúng ta dễ hiểu hơn; sau đó có thể chuyển qua đọc các tờ báo Tiếng Anh (VnExpress International, VOAnews, New York Times…). Nếu đủ kiên nhẫn thì có thể dành thời gian để đọc một quyển tiểu thuyết, tuy nhiều nhưng các từ vựng sẽ được lặp đi lặp lại, đọc một thời gian chúng ta sẽ biết được rất nhiều từ vựng mới cũng như ngữ cảnh mà chúng được sử dụng.
Ngoài ra, chúng ta có thể sử dụng giấy notes để viết các vật dụng xung quanh bằng Tiếng Anh, hằng ngày mỗi lần đi ngang qua có thể nhìn vào đó và phát âm để học.
6. Văn ôn võ luyện
Bạn có biết quy tắc 1%?
Ví dụ hôm nay bạn ngủ dậy lúc 7h30 phút thì ngày mai hãy cố gắng dậy muộn nhất vào lúc 7h29 phút. Sau 1 thời gian, bạn sẽ thấy việc dậy sớm dễ dàng hơn bạn nghĩ.
Tương tự việc học cũng như vậy, nếu mỗi ngày bạn học thêm được 1% và không bị giảm đi so với hôm trước. Sau 1 thời gian, vốn từ vựng của bạn sẽ được cải thiện đáng kể.
Việc học trước quên sau là chuyện bình thường. Vì vậy đừng bỏ cuộc, hãy kiên trì ôn lại từ “cũ” để tránh việc học mới quên cũ. Từ đó, vốn từ vựng của bạn mới có thể tăng thêm.
Chúc các bạn thành công!