Tác giả : TS.BS. Trần Ngọc Tuấn
Người dịch : TS. BS. Nguyễn Đỗ Ngọc Linh
Tổng quan
Bệnh ung thư tiền liệt tuyến là bệnh có sự khác biệt lớn nhất trong số các bệnh lý ung thư tại Hoa Kỳ. So với nam giới có chủng tộc khác, những người nam giới Mỹ gốc Phi có nguy cơ phát triển ung thư tiền liệt tuyến cao hơn khoảng 1.6 đến 1.8 lần; bệnh nhân thường phát hiện bệnh từ tuổi trẻ hơn và tại thời điểm chẩn đoán, giai đoạn bệnh tiến triển hơn; nguy cơ tái phát cao hơn sau khi phẫu thuật triệt để tuyến tiền liệt; và tỷ lệ tử vong cao gấp 2,5 lần.
Các yếu tố góp phần ảnh hưởng tới sự khác biệt về lâm sàng này là do khả năng tiếp cận với trung tâm y tế và các yếu tố kinh tế xã hội và môi trường khác. Tuy nhiên, các yếu tố di truyền cũng có thể có liên quan và vai trò cũng như tỷ lệ hiện mắc của chúng cần được xác định rõ hơn, đặc biệt là trong các bệnh cảnh lâm sàng thực tế, vì chi phí của xét nghiệm Giải trình tự thế hệ mới (NGS) rất cao, bệnh nhân dân tộc thiểu số và không có bảo hiểm y tế sẽ không được nghiên cứu trong các đề tài trước đây.
Phương pháp
Trong nghiên cứu này, họ đã lấy mẫu mô và/hoặc mẫu sinh thiết lỏng của 100 bệnh nhân (trong đó có 53 người mỹ gốc Phi) đã được điều trị bằng liệu pháp khử androgen cho các ung thư tiền liệt tuyến tiến triển cục bộ, tái phát về sinh hóa hoặc di căn tại Bệnh viện Ben Taub (BTH), Houston, Texas. Họ đã giải trình tự DNA của 648 gen trong mẫu khối u và các mẫu bình thường (xét nghiệm mô) và giải trình tự cDNA của 105 gen trong mẫu máu ngoại vi (xét nghiệm sinh thiết lỏng) bằng phương pháp giải trình tự gen thế hệ mới (NGS) để phân tích các đột biến dòng mầm và/hoặc đột biết soma.
Để xác nhận, họ cũng phân tích song song dữ liệu NGS ẩn danh từ một nhóm thuần tập quốc gia gồm 1211 bệnh nhân ung thư tiền liệt tuyến di căn (trong đó có 213 người mỹ gốc Phi) đã được giải trình tự trước đó.
Kết quả
Tần số của đột biến di truyền TP53 (41,5%), AR (18,9%), SPOP (20,7%) và của con đường sửa chữa tái tổ hợp tương đồng (HRR = homologous recombination repair) và BRCA2 (17%) tồn tại trong nhóm các bệnh nhân người mỹ gốc Phi tại BTH, cao hơn so với các chủng tộc khác. Phát hiện cuối cùng này đã được xác nhận trong nhóm thuần tập quốc gia (1211 bệnh nhân) với 91/213 (42,7%) bệnh nhân người mỹ gốc Phi có đột biến ở ít nhất một trong 14 gen của con đường sửa chữa tái tổ hợp tương đồng liên quan đến độ nhạy của ung thư tiền liệt tuyến với các chất ức chế PARP (poly ADP ribose polymerase), so với 347/998 (34,7%) bệnh nhân không phải người mỹ gốc Phi (P <0,05). Sự khác biệt này chủ yếu là do tần suất đột biến gen BRCA2 (16,9%), CDK12 (8%) và PALB2 (5,2%) ở bệnh nhân người mỹ gốc Phi cao hơn.
Sự hợp nhất gen TMPRSS2 (protease serine xuyên màng 2):
Chức năng của protein TMPRSS2 trong chất sinh ung thư tuyến tiền liệt dựa trên sự biểu hiện quá mức của các yếu tố phiên mã ETS, chẳng hạn như ERG (gen sinh ung thư) và ETV1 (gen mã hóa protein “ETS translocation variant 1”), bằng cách hợp nhất gen.
Gen hợp nhất TMPRSS2-ERG là gen phổ biến nhất, hiện diện trong 40 đến 80% trường hợp ung thư tuyến tiền liệt ở nam giới.
Sự biểu hiện quá mức của ERG góp phần vào sự phát triển độc lập đối với androgen trong ung thư tuyến tiền liệt bằng cách phá vỡ tín hiệu của thụ thể androgen.
Trong cả nhóm thuần tập tại bệnh viện Ben Taub và nhóm thuần tập quốc gia, sự hợp nhất
TMPRSS2 ít xảy ra hơn ở bệnh nhân ung thư tiền liệt tuyến người mỹ gốc Phi.
Kết luận
Tần số đột biến cao quan sát được trong các yếu tố chính của ung thư tiền liệt tuyến ở bệnh nhân người mỹ gốc Phi có thể phản ánh sự khác biệt về đặc điểm sinh học của bệnh giữa các nhóm chủng tộc thiểu số. Biểu hiện bệnh tiến triển hơn ở bệnh nhân người mỹ gốc Phi là do các yếu tố kinh tế xã hội kém nên trì hoãn việc tới trung tâm y tế khám bệnh. Nghiên cứu này cung cấp một bức tranh toàn cảnh về các gen của ung thư tiền liệt tuyến tiến triển trong một bệnh viện phục vụ người dân tộc thiểu số và nhấn mạnh vai trò của các xét nghiệm NGS trong việc cải thiện khả năng tiếp cận các liệu pháp điều trị mới như liệu pháp nhắm trúng đích và dấu ấn sinh học.
Nguồn
1- ASCO 2021
2- Béliveau, F. (2012). Spécificité enzymatique et régulation fonctionnelle de la matriptase 2, une protéase à sérine transmembranaire de type II essentielle à l’homéostasie du fer.
3- Yu J, Yu J, Mani RS, Cao Q, Brenner CJ, Cao X, Wang X, Wu L, Li J, Hu M, Gong Y, Cheng H, Laxman B, Vellaichamy A, Shankar S, Li Y, Dhanasekaran SM, Morey R, Barrette T, Lonigro RJ, Tomlins SA, Varambally S, Qin ZS, Chinnaiyan AM, « An integrated network of androgen receptor, polycomb, and TMPRSS2-ERG gene fusions in prostate cancer
progression », Cancer Cell, vol. 17, no 5, mai 2010, p. 443-54 (PMID 20478527, PMCID 2874722, DOI 10.1016/j.ccr.2010.03.018)
4- Tomlins SA, Mehra R, Rhodes DR, Smith LR, Roulston D, Helgeson BE, Cao X, Wei JT,
Rubin MA, Shah RB, Chinnaiyan AM, « TMPRSS2:ETV4 gene fusions define a third molecular subtype of prostate cancer », Cancer Research, vol. 66, no avril 2006, p. 3396– 400 (PMID 16585160, DOI 10.1158/0008-5472.CAN-06-0168)
5- Winnes M, Lissbrant E, Damber JE, Stenman G, « Molecular genetic analyses of the
TMPRSS2-ERG and TMPRSS2-ETV1 gene fusions in 50 cases of prostate cancer », Oncology Reports, vol. 17, nomai 2007, p. 1033–6(PMID 17390040, DOI 10.3892/or.17.5.1033)
Trân trọng cảm ơn!