Bí kíp thứ 3: Tiếng Anh – Một phần tất yếu của cuộc sống
Người chia sẻ: Nguyễn Quý Yên – Khoa KTCN
Tiếng Anh – Một phần tất yếu của cuộc sống Người chia sẻ: Nguyễn Quý Yên – Khoa KTCN Ngày 10/04/2021
Bạn có nghĩ tiếng Anh là một phần không thể thiếu trong cuộc sống của các bạn như nước uống, thức ăn? Không có nước uống, không có thức ăn thì cơ thể con người không thể duy trì sự sống. Tương tự như vậy, không có tiếng Anh thì cuộc sống của các bạn bế tắc trong thời đại ngày nay. Phải có tư duy như vậy thì động lực học tiếng Anh của các bạn đủ mạnh để mà đạt được kết quả mong muốn. Sau đây tôi xin chia sẻ về quá trình ăn, ngủ, học, chơi cùng tiếng Anh của tôi khi vừa tốt nghiệp phổ thông.
Khi vừa tốt nghiệp phổ thông, tôi đăng ký vào học chương trình liên kết quốc tế về công nghệ thông tin. Năm đầu tiên sinh viên chỉ học tiếng Anh đơn thuần, chỉ khi qua hết các lớp tiếng Anh từ cơ bản đến nâng cao thì sinh viên mới được học chuyên ngành hoặc sinh viên nào nộp bảng điểm thi tiếng Anh quốc tế (Toefl, Ielts) đủ chuẩn theo yêu cầu của trường thì mới được miễn trừ các lớp tiếng Anh mà vào thẳng chuyên ngành. 90% sinh viên tất nhiên thi Toefl hoặc Ielts không đạt nên phải học tuần tự các lớp ở trường.
Môi trường học tập ở đây được tạo ra để tiếng Anh là ngôn ngữ giao tiếp chính. Tất cả giảng viên, nhân viên, và sinh viên khi bước vào khuôn viên trường đều bắt buộc dùng tiếng Anh để giao tiếp (nghe, nói, đọc, viết, và cử chỉ cơ thể). Nếu giảng viên, nhân viên sử dụng tiếng Việt dù chỉ 1 câu thì bị phạt trừ 50,000vnđ/lần (giá trị khoảng 15 năm trước). Nếu sinh viên dùng tiếng Việt dù chỉ 1 câu thì bị phạt trừ 2% tổng số điểm cả học kỳ (ví dụ môn Reading level 1 đủ 70% thì đậu lên lớp level 2, bị trừ 2% còn 68% thì rớt phải đóng tiền học lại và mất thêm thời gian một học kỳ). Bảo vệ của trường kiêm giám thị giám sát việc thực hiện giao tiếp bằng tiếng Anh (wow, bảo vệ pro nói tiếng Anh như gió, mình mới vô đã thấy ấn tượng mặc dù nghe chẳng hiểu gì vì còn non nớt ). Tháng đầu tiên khi vào học, giảng viên và nhân viên trường giao tiếp (nói trực tiếp, email thông báo, bảng thông báo,…) với sinh viên bằng tiếng Anh nên sinh viên ai cũng sốc vì chẳng hiểu gì, muốn hỏi lại để hiểu rõ hơn thì cũng vất vả vừa nói vừa quơ tay múa chân diễn tả.
Như vậy các trai thanh gái tú vừa tốt nghiệp phổ thông hí hửng tính xả hơi vừa chơi vừa học (chơi nhiều hơn học) ở môi trường mới bị sốc toàn tập. Phải làm sao đây, công trình 7 năm học tiếng Anh từ lớp 6- 12 giờ không xài được. Thế là bà con đổ xô đi hỏi kinh nghiệm kèm bí quyết của các thầy cô giáo và các anh chị lớp trên (tất nhiên là ở quán café hoặc quán nhậu mới được nói tiếng Việt ). Cuối cùng bí quyết đã được chỉ ra, tôi về quyết tâm thực hiện bí quyết để không còn như vịt nghe sấm khi giao tiếp tiếng Anh.
Muốn cập nhật tin tức thời sự, tôi kiên quyết không mở vnexpress, zing, hay kenh14, tôi chuyển sang mở CNN, BBC, Bloomberg, Wall Street Journal, tôi vừa đọc vừa tra từ điển Anh – Việt và Anh – Anh theo từ điển Oxford Learner www.oxfordlearnersdictionaries.com, từ điển này ngoài việc diễn giải ngữ nghĩa nó còn có ví dụ cách dùng từ mình tìm với từ nào và theo ngữ cảnh nào. Ngoài ra, tôi vừa đọc bài báo vừa mở radio để nghe phát thanh viên họ đọc bài báo đó như thế nào, thường thì CNN, BBC vừa có đăng bài viết vừa có bài phát radio.
Muốn xem phim, tôi mở phim nói tiếng Anh và tải phụ đề tiếng Anh ghép vào phim, vừa coi phim tất nhiên cũng vừa tra từ điển xem nó nói gì. Tôi thường xem các phim hoạt hình của Mỹ hay các phim dành cho thiếu nhi nói tiếng Anh vì các phim đó họ nói chậm, âm rõ, từ vựng cũng là các từ thường dùng trong cuộc sống rất dễ nghe để luyện tập. Thời điểm đó mạng internet của Việt Nam còn chậm và chưa có Netflix nên phải tải về máy mất nhiều thời gian. Bây giờ internet đã nhanh, xem phim không cần tải và Netflix nó có sẵn phụ đề tiếng Anh rất khỏe.
Muốn xem Tivi, tôi không còn mở các phim truyền hình dài tập của Hàn, Hongkong, hay Trung Quốc nữa mà thay vào đó là mở các kênh National Geographic, Discovery Channel, Planet Earth, BBC Earth,… Các kênh này ngoài nội dung rất phong phú từ thiên nhiên kỳ thú đến khoa học kỹ thuật tân tiến, kể cả các mẹo hữu ích trong đời sống thường ngày, thì tốc độ nói cũng như ngôn ngữ dùng phổ thông dễ hiểu.
Muốn gửi email, nhắn tin cho bạn bè, tôi viết email và tin nhắn bằng tiếng Anh cho các bạn cùng lớp. Lớp lập ra qui tắc chỉ gửi tin cho nhau bằng tiếng Anh, ai lỡ quên nhắn tin bằng tiếng Việt thì nộp phạt vào quỹ lớp. Còn để luyện viết, mỗi ngày tôi cố gắng viết 1 đoạn văn ngắn từ 4-5 câu về bất kỳ chủ đề hay sự việc trong ngày mà mình gặp, mỗi lần viết mỗi lần tập cách dùng câu từ khác nhưng đồng nghĩa.
Muốn tập nói, nhóm học cùng lớp rủ giáo viên là người nước ngoài đi café, đi ăn uống, tham quan bảo tàng, đôi khi còn có đi nhậu và đánh bài cùng. Mình biết được văn hóa nước khác, giáo viên nước ngoài biết được văn hóa nước Việt. Ban đầu nói người ta chưa hiểu thì mình sắp xếp lại ý, câu từ trong đầu trước, sau đó nói từ từ chậm để người nghe hiểu được ý mình. Người Việt đa số sợ sai ngữ pháp khi nói nên nói rất nhanh còn hơn người bản xứ. Mục đích việc nói là để người nghe hiểu được, không phải nói để đúng ngữ pháp như khi viết.
Muốn nghe nhạc, tôi nghe nhạc tiếng Anh, các bài nhạc bất hủ tiếng Anh rất nhiều, dòng nhạc này có thể nhiều người không thích nhưng phù hợp để luyện nghe tiếng Anh vì âm điệu rõ ràng, ít nuốt âm. Có thể tìm trên internet dạng bài trắc nghiệm vừa nghe nhạc vừa điền từ vào chỗ trống. Một số người thích nghe nhạc khi ngủ để dễ đi vào giấc ngủ thì nên chuyển sang nghe radio BBC hay kênh National Geographic để ngữ điệu tiếng Anh thấm vào trí óc, đôi tai ngày càng quen với ngữ điệu đấy.
Thời gian đầu khi thực hiện những phương pháp trên có thể cơ thể mình cảm thấy rất khó chịu và bực bội, nhưng qua 2-3 tháng thì ta sẽ thấy các việc khó khăn trên trở nên bình thường trong cuộc sống hàng ngày, nó tạo thành một thói quen mới, ta lại được thêm kỹ năng mới, tư duy mới để có ích cho mình, cho người.
Chúc lành các bạn!